Kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 vẫn giữ ổn định như năm 2019 nhằm đánh giá chính xác kết quả học tập của học sinh sau 12 năm học ở mức độ học vấn phổ thông, bảo đảm kết quả thi phản ánh trung thực, khách quan, đúng trình độ, năng lực học sinh, có độ tin cậy và phân hóa.
Bộ GDĐT cũng cho biết, kết quả Kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 sẽ là căn cứ để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và làm cơ sở cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Để có một kỳ thi hiệu quả, Bộ GDĐT sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuẩn bị sớm, đầy đủ các điều kiện cần thiết để tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia năm 2020; xây dựng các phương án dự phòng để xử lý các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tổ chức kỳ thi.
Bộ GDĐT yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo làm tốt công tác lựa chọn nhân sự tham gia tổ chức kỳ thi; nâng cao chất lượng của công tác tập huấn cho các thành viên; chú trọng việc tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra, giám sát.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 có 5 môn thi, bài thi, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, và 2 bài thi thuộc môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Trong đó, chỉ môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
Bộ GDĐT sẽ chủ trì, chỉ đạo các trường đại học chấm bài thi trắc nghiệm của thí sinh; bài thi tự luận do sở giáo dục và đào tạo các địa phương chấm.
Trong kỳ thi năm 2019 vừa qua, nhằm hạn chế tối đa các hành vi gian lận như đã từng xảy ra ở một số địa phương trong kỳ thi THPT quốc gia, Bộ đã có các giải pháp khắc phục từ khâu chuẩn bị phòng thi, đề thi, sắp xếp thí sinh tự do, thí sinh hệ GDTX ngồi thi chung với thí sinh hệ giáo dục phổ thông; quy định chi tiết về kỹ thuật niêm phong, lưu trữ, bảo quản đề, bài thi; đặt camera giám sát...
Nguồn bài viết – DAU sư tầm – Tổ quốc.vn